Vệ sinh xe hơi là việc cần thiết nên làm và không kém phần quan trọng vì hàng ngày, xế yêu của bạn sẽ phải chịu rất nhiều tác nhân khiến nó bị dơ và ám mùi như khí hậu ẩm ướt, bụi bẩn từ giày dép bạn đang đi, thức ăn, đồ uống.v.v…
Đi lại trên một chiếc xe “có mùi” là một trải nghiệm hơi khó chịu với bất kì ai. Đặc biệt là khi vào mùa mưa, chiếc ô tô của bạn rất dễ có mùi hôi khó chịu, nó sẽ ảnh hưởng đến sự thoải mái và sức khỏe của bạn cũng như hành khách trên xe.
Mùi hôi trong cabin được tạo ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta có thể tạm chia thành ba nhóm chính: Mùi hôi từ hệ thống máy lạnh, từ khoang máy và từ nội thất bên trong xe. Một số cách xử lý sau đây có thể sẽ giúp bạn loại bỏ mùi hôi và giữ xe luôn thơm tho và sạch sẽ.
Các nguyên nhân gây nên mùi cho dế yêu của bạn:
Mùi hôi từ hệ thống máy lạnh:
– Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta, hiện tượng bốc mùi từ hệ thống điều hòa xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là trên những chiếc xe lâu năm. Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này thường là do vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi và phát triển bên trong dàn lạnh.
– Ngoài ra còn có trường hợp chuột và một số loại côn trùng chui vào bộ phận hút gió cũng như một số khoang trống khác của hệ thống máy lạnh. Nếu hệ thống điều hòa bốc mùi, việc trước tiên bạn phải làm là vệ sinh toàn bộ hệ thống, bao gồm cả dàn trao đổi nhiệt, dành lạnh, ống hút gió và bộ lọc gió.v.v…
- Để vệ sinh xe hơi hiệu quả trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc xịt tẩy rửa hoặc chất diệt khuẩn chuyên dụng. Việc bảo dưỡng và vệ sinh hệ thống điều hòa nên được tiến hành định kỳ, mỗi năm khoảng từ một đến hai lần là tốt nhất.
Mùi hôi từ khoang máy lọt vào cabin:
– Thiết kế của khoang máy trên xe thường là không kín. Một số mẫu xe có thiết kế cổ hút khí điều hòa đặt gần khoang máy, chính vì thế nó mang theo cả mùi hôi vào cabin.
– Nếu bạn đã vệ sinh sạch sẽ hệ thống máy lạnh mà nó vẫn bốc ra mùi khó chịu thì nhiều khả năng nguồn gây mùi chính là từ khoang máy. Việc bảo dưỡng khoang máy định kỳ không chỉ có tác dụng loại bỏ mùi hôi mà còn giúp tăng độ bền động cơ và giảm khả năng gặp sự cố cho chiếc xe.
Mùi hôi từ chính nội thất xe:
– Đây mới là nguồn mùi hôi phổ biến hơn cả. Có thể kể đến một số tác nhân cụ thể như độ ẩm cao, sự kín hơi, mồ hôi, rác hữu cơ, khói thuốc, da và nệm mút thoái hóa, sàn ẩm mốc và bám nhiều bụi bẩn, thậm chí là cả nước hoa.v.v…
– Khi dọn nội thất, phải chú ý hong thật khô các miếng lót sàn rồi mới cho lên xe. Hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng để tìm hiểu xem những vị trí nào trong được phép dùng chất tẩy rửa để tránh làm hỏng nội thất. Và không nên hút thuốc trong xe và cũng không nên vào xe ngay sau lúc chơi thể thao khi mồ hôi chưa khô.
– Để ngăn mùi, bạn có thể sử dụng thêm các gói chống mùi như hạt cà phê, trà xanh, long não, hoặc một chiếc máy lọc ion không khí bổ sung chẳn hạn.v.v… Giải pháp hiệu quả nhất để xe bạn có mùi hương dễ chịu là sử dụng tinh dầu thơm. Các loại tinh dầu như chanh, bưởi, oải hương và sả sẽ giúp xe bạn thơm mát hơn.
Vệ sinh xe hơi cần lưu ý vị trí nào?
Trần xe:
- Trần xe là nơi tưởng ít bẩn nhưng lại dễ bẩn nhất, dễ bám bụi và bị ẩm do nước mưa… nhất là với loại trần vải nỉ nguyên bản theo xe. Ngoài ra, trần xe còn dễ lưu mùi. Đây chính là một trong những “ổ mùi” lớn nhất trong xe.
- Để vệ sinh trần xe thì thao tác cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần phun dung dịch làm sạch trần xe, chờ một lát để dung dịch này hoạt động lấy đi hết bụi bẩn và các vết bẩn cứng đầu bám lâu ngày trên đó. Sau đó, bạn dùng khăn mềm lau sạch sẽ lại là được.
Ghế xe:
- Ghế xe là nơi có nhiều vi khuẩn và nấm mốc nhất. Bởi cấu tạo của ghế xe ngoài trừ lớp da/nỉ bọc bên ngoài thì bên trong chủ yếu là lớp đệm mút. Lớp mút này dễ hút ẩm, dễ bám bẩn, dễ có mùi… Trong khi ghế xe mỗi ngày phải chịu ảnh hưởng khói bụi từ bên ngoài, lại bị dễ bám chất bẩn, mồ hôi… từ người ngồi.
Sàn xe, cốp xe:
- Hứng chịu hầu hết bụi bẩn, lại bị giẫm đạp bởi giày dép nhiều bùn đất… khiến sàn xe trở thành nơi “siêu bẩn”. Trong khi sàn xe đa phần được bọc nỉ, nếu dùng thêm thảm lót sàn nỉ rất dễ bám bẩn, rất dễ bị ẩm, có mùi,….
- Đối với vị trí cốp xe và sàn xe thì bạn cần phải dọn dẹp những thứ không cần thiết rồi hút bụi thật cẩn thận là được.
Vô lăng, bảng taplo, tappi:
- Vô lăng xe là một trong những nơi lý tưởng nhất để nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc trú ngụ, phát triển. Mỗi ngày, người lái xe tiếp xúc rất nhiều đồ dùng, vật dụng bằng tay rồi sau đó cầm nắm vô lăng thời gian dài dễ tiết ra mồ hôi tay.
- Nếu có sử dụng thêm bọc vô lăng ô tô thì rất dễ bị ẩm, mốc nếu ít vệ sinh bọc vô lăng. Tương tự bảng điều khiển trên taplo, tappi cửa cũng là nơi dễ nhiễm bẩn.
Tay nắm cửa:
- Tay nắm cửa là bề mặt thường xuyên tiếp xúc tay của nhiều người nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn và lây nhiễm khuẩn rất cao. Nguy cơ này sẽ càng cao hơn với những xe chuyên kinh doanh vận tải hành khách như taxi, Grab…
Vệ sinh điều hòa xe:
- Sau quá trình dài sử dụng, bụi bẩn và hơi ẩm tích tụ sẽ làm giảm công năng của dàn lạnh điều hòa ô tô. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc và vi khuẩn có hại phát sinh.
- Để bảo vệ sức khỏe và không khí trong ô tô thì cứ sau 20.000 km, chúng ta nên vệ sinh dàn lạnh một lần.
Vệ sinh các phần kính và gương xe:
- Bước cuối cùng để hoàn thành quá trình vệ sinh nội thất ô tô đó là làm sạch các phần kính và gương của của xe. Riêng cửa kính và gương xe, chúng ta không sử dụng được dung dịch tẩy rửa đa năng mà phải dùng bình xịt phun nước lau kính chuyên dụng để lau chùi.
- Để làm sạch cửa kính, bạn dùng khăn vi sợi thấm ướt chất tẩy chùi sạch kính xe từ kính chắn gió cho đến cửa sổ bên và cả cửa sổ mái (nếu có). Trong lúc lau, bạn nên đổi mặt giẻ lau để bề mặt chùi luôn sạch, không dây bẩn đến các vùng khác.
Lưu ý khi dọn vệ sinh xe hơi:
- Những vật cứng có thể cào xước bề mặt sơn của xe nên bạn không nên đeo những phụ kiện, đồ trang sức trên người như đồng hồ, nhẫn hay dây lưng khi rửa xe.
- Nếu sử dụng quần áo cũ để làm khăn rửa xe thì bạn cần kiểm tra kỹ vật dụng đó, tránh các loại cúc áo, những tấm kim loại làm trầy xước xe.
- Tránh dùng hóa chất thông thường hay nước rửa xe để vệ sinh nội thất. Điều này là không nên vì các loại này có thể làm ảnh hưởng đến lớp da hoặc nỉ, các bề mặt taplo…